Nhanh Chóng hay Bền Bỉ? - Bạn có đang trong cuộc đua Sáng tạo nội dung
Trong một thời đại mà Tốc độ trở thành từ khóa quan trọng, là ngọn đèn dẫn đường cho những người muốn tiến xa trên con đường thành công. Mọi thứ đều đòi hỏi sự Nhanh-chóng - từ việc di chuyển đến việc học tập và thậm chí là sự Sáng tạo. Một thế giới với những thông tin không ngừng chảy như sóng biển và ai cũng muốn đánh bại thời gian, nắm bắt mọi cơ hội một cách nhanh chóng.
Nhanh-chóng thì có đi kèm với Bền-Bỉ được hay không?
Điều khiến Tâm chựng lại suy nghĩ là liệu Nhanh-chóng thì có đi kèm với Bền-Bỉ được hay không?
Mọi người muốn di chuyển nhanh chóng, để tiết kiệm thời gian và nắm bắt càng nhiều cơ hội càng tốt. Trong việc học tập, sự nhanh chóng trở thành mục tiêu, với hi vọng đạt được kiến thức một cách hiệu quả. Thậm chí, trong lĩnh vực sáng tạo, nhiều áp lực lớn để tạo ra nhanh chóng và là người đầu tiên chia sẻ ý tưởng mới, chia sẻ nhanh hơn, nhiều hơn.
Có một điều quan trọng, một điểm mà nhiều người có vẻ quên mất - đó là tư duy hệ thống hóa. Việc học nhanh có lẽ là mục tiêu của nhiều người, nhưng liệu đó có phải là con đường dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc không? Trong khi chúng ta đua nhau đi qua một loạt các thông tin, liệu có đủ thời gian để tư duy, để xây dựng những liên kết sâu sắc giữa nhiều kiến thức?
Sự Nhanh-chóng có thể đưa đến thành công ngắn hạn, nhưng với Tâm sự Bền-bỉ lại đòi hỏi sự kiên nhẫn, sự tập trung và khả năng xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc hơn. Bền bỉ là khả năng vượt qua thời gian và khó khăn một cách ổn định, không phải là sự chạy đua nhanh nhẩu và vội vàng.
Chắc chắn, việc tổng hợp thông tin và chia sẻ lại là một phần không thể thiếu trong việc Sáng tạo nội dung hiện tại. Như bữa giờ Tâm lướt hàng tá video nói về Phong thủy 2024, phương pháp phát triển bản thân 2024 với thần số học, Tip Sáng tạo nội dung để lên xu hướng,... Nghe mỗi người chia sẻ một kiểu, nhưng thật sự nếu bạn không có tư duy hệ thống và sâu chuỗi kiến thức, không hiểu tường tận những bản chất cốt lõi, những giá trị và chân lý của từng khái niệm thì thật sự bạn cũng khó hiểu sâu và thực hành hiệu quả!
Như người chia sẻ về Phong thủy nếu chỉ đi nhìn những lý thuyết cơ bản hay đọc sách rồi chia sẻ lại mà không nói rõ cho người nghe những nguyên lý cốt lõi hay nói về việc tại sao nó lại như thế thì sẽ rất dễ để người xem hiểu sai dẫn đến làm sai. Mà với sự phát triển của nội dung nhanh ngày này thì thật sự cũng đầy những nội dung không nói đủ sâu khiến nhiều người nhầm tưởng, mê tín, quy chụp và đưa ra kết luận vội vàng, trong khi cũng chẳng biết lý giải tại sao một cách hợp lý và khoa học.
Hay người chia sẻ về phương pháp phát triển bản thân 2024 với thần số học, nếu là người tổng hợp sẽ chỉ là người đi đọc sách về từng ý nghĩa của con số rồi chia sẻ lại, hay các năm thế giới số 8 số 9 rồi làm content thì nó cũng quá bình thường rồi. Cái quan trọng là tính xâu chuỗi và hệ thống hóa kiến thức đó vào đời sống và sự kết nối của từng con số đó ra sao thì lại rất ít người hiểu sâu sắc để chia sẻ.
Hay người chia sẻ về Tip Sáng tạo nội dung để lên xu hướng thì tổng hợp và nói thì dễ nhưng phải hiểu rằng không phải ai làm theo đúng những tip đó sẽ thành công, vì nó còn nhiều tác động và yếu tố khác cấu thành. Nếu không có kiến thức Sáng tạo nội dung nền tảng vững thì dù bạn có học rất nhiều tips nhanh đi nữa thì cũng chỉ là ngắn hạn. Bạn có thể có vài idea hay dùng chat gpt cho ra vài trăm ý tưởng sáng tạo nhưng không có tư duy hệ thống kiến thức thì cũng không tạo nên hiệu quả trong chiến lược nội dung của mình được. Đúng không?
Mà cái gì liên quan đến mindset, tư duy, hệ thống thì lại hay dính đến lý thuyết và nghiên cứu sâu, dài đăng đẳng nên nhiều người ngán và nói thẳng ra là "lười" vì ai cũng thích Nhanh-chóng mà, cái gì càng tiện càng nhanh càng ra kết quả sớm thì lại càng thích, nên những gì khó nhằn, nền tảng thường ít được để ý hơn, hoặc phải qua một thời gian kinh qua những cái ngắn hạn thấy mình thiếu hụt để đi đường dài mới quay lại tìm đến những giá trị lõi.
Mình may mắn nhận thức điều này từ nhưng ngày còn đi học thế nên với bất cứ thứ gì mình tiếp cận, câu hỏi về tư duy và nền tảng mình luôn để ý. Tư duy hệ thống hóa như chìa khóa mở cánh cửa sự hiểu biết của mình khi học hay làm bất cứ thứ gì. Đây không chỉ là việc ghi nhớ một loạt thông tin hay tổng hợp kiến thức chưa hiểu rõ, mà còn là khả năng liên kết kiến thức, tạo ra một mô hình tổng thể tường tận về nguồn gốc và nguyên lý. Mình luôn đặt ra câu hỏi về ý nghĩa và kết nối giữa những điểm thông tin trong việc học lẫn làm việc và cả cách giảng dạy, chia sẻ. Đôi khi, sự chậm rãi và nghiên cứu sâu sắc hơn có thể mang lại giá trị lâu dài hơn so với sự vội vã ngoài kia!
Tất nhiên, Tâm không nói rằng ai sẽ phải lúc nào cũng cần học nền tảng mà không tận dụng những sự tiện lợi của thời đại để Nhanh-chóng đạt được những mục tiêu như dự định của bản thân. Đó đều là lựa chọn và nhận thức của mỗi người như thế nào nữa. Bởi cả hai cách tiếp cận đều có ưu và nhược điểm, nhưng quan trọng nhất là bạn tự tin và hài lòng với lựa chọn của mình.
Bạn là người quyết định mọi thứ bạn nạp vào đầu và cũng là người quyết định chính cuộc đời mình. Bạn cũng là người điều khiển tốc độ và hướng đi. Hãy lựa chọn một con đường mà bạn cảm thấy đúng đắn và bền vững, bởi đó mới là chìa khóa của sự thành công thực sự!
Nguồn: Trần Hoàng Ngọc Tâm - Founder Ngáo Content & Ngao Academy
Blog kiến thức Newsletter
Join the newsletter to receive the latest updates in your inbox.